Những lời hát cất lên bằng trái tim

Mang trên mình nỗi đau về tinh thần và cơ thể không lành lặn, những người khuyết tật vẫn giữ nguyên khát vọng được cất lên lời ca, tiếng hát. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật tỉnh ta đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

Đoàn nghệ thuật quần chúng Người khuyết tật tỉnh Bắc Kạn tham gia Hội thi tiếng hát Người khuyết tật “Những trái tim khát vọng” toàn quốc lần thứ I- 2014
Đoàn nghệ thuật quần chúng Người khuyết tật tỉnh Bắc Kạn tham gia Hội thi tiếng hát Người khuyết tật “Những trái tim khát vọng” toàn quốc lần thứ I- 2014.

Trong chương trình Chào mừng Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998-18/4/2022) diễn ra ở huyện Na Rì những tiết mục văn nghệ do chính người khuyết tật thể hiện trên sân khấu đã gây ấn tượng sâu sắc cho người tham dự. Chương trình văn nghệ chỉ có 04 tiết mục và đều là những bài hát đã quen thuộc, người hát được dẫn lên sân khấu, gần như chỉ đứng tại chỗ và cất lên những thanh âm tuyệt vời, chạm đến trái tim của tất cả mọi người.

Ông Nông Văn Chuân- Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Na Rì cho biết: Từ năm 2018, hoạt động văn nghệ của người khuyết tật huyện Na Rì mới bắt đầu được nhen nhóm. Ban đầu có chị Đinh Thị Bông, dù bị khiếm thị nhưng hát rất hay, nhiệt tình tham gia các chương trình, hoạt động. Để tìm được những người có năng khiếu khác, chúng tôi phải đến tuyên truyền, trò chuyện rất nhiều lần, động viên họ vượt qua mặc cảm và đứng lên sân khấu, đến nay nhiều người đã mạnh dạn hơn. Để chuẩn bị cho chương trình vừa qua, chúng tôi mất gần 1 tuần, vừa chọn bài, tập luyện và khớp nhạc. Nếu có nhiều thời gian hơn, chúng tôi còn dự định sẽ diễn kịch.

Tiết mục văn nghệ đầy cảm xúc của Người khuyết tật huyện Na Rì.
Tiết mục văn nghệ đầy cảm xúc của người khuyết tật huyện Na Rì.

Tại tỉnh ta hiện có hơn 6.000 người khuyết tật, hầu hết đều có cuộc sống khó khăn, chính vì vậy nhiều năm trước đây, hoạt động văn nghệ gần như không có. Theo bà Đoàn Thị Việt- Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh: Từ khi có Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất năm 2014, tỉnh ta mới bắt đầu liên hệ tìm những người có năng khiếu văn nghệ. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thuyết phục người khuyết tật đồng ý lên sân khấu. “Vì đều mang trong mình khiếm khuyết nên họ thường thu mình lại, sợ phải đứng trước đám đông, sợ những ánh mắt săm soi nhìn vào… Vậy nên chúng tôi phải nói chuyện, trao đổi, động viên họ rằng những người tham dự hội thi đều là người khuyết tật, đây cũng là cơ hội để người khuyết tật tỉnh Bắc Kạn được giao lưu với tỉnh bạn, đồng thời là nguồn động lực lớn để người khuyết tật tỉnh ta mạnh dạn hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng. Vậy là cuối cùng cũng thành lập được đoàn tham dự”, bà Việt nhớ lại.

Với sự chân tình đó, trong lần tham dự đầu tiên ấy, đoàn nghệ thuật quần chúng Người khuyết tật tỉnh Bắc Kạn với 05 tiết mục tham dự đã được Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở tặng Giấy khen đã có thành tích tham gia Hội thi tiếng hát người khuyết tật “Những trái tim khát vọng” toàn quốc lần thứ I- 2014 khu vực miền Bắc và có tiết mục đạt được Huy chương Đồng. Đến năm 2019, người khuyết tật tỉnh ta tiếp tục tham dự hội thi lần II. Đã có nền từ lần trước, nên các tiết mục lần này phong phú hơn, không chỉ hát song ca, tốp ca, đơn ca mà còn kết hợp với học sinh khuyết tật để dàn dựng múa minh họa. Lần này, Đoàn đã có 01 tiết mục đạt Huy chương Bạc.

Để có được những thành công không nhỏ ấy là sự nỗ lực lớn của cả đoàn. Phía sau những phút giây đứng trên sân khấu là cả tuần tập luyện, là hai ngày cuối cùng căng thẳng vì không khớp được nhạc… Bà Sằm Thị So- Người khuyết tật ở huyện Bạch Thông cho biết: Tôi nhớ năm 2014 được theo Đoàn đi tham dự hội thi, gặp rất nhiều khó khăn. Tôi là khuyết tật ở chân và được học chữ nên còn đọc được lời bài hát, có người bị khiếm thị nên học thuộc lời rất khó. Nhưng tôi từ nhỏ chỉ hát không có nhạc, rồi hát Páo dung nên khi khớp nhạc mãi không vào đúng được, tập đi tập lại. Rồi khi lên sân khấu, tôi phải có người cõng lên… Nhưng dù vậy, sau lần ấy cả đoàn ai cũng phấn khởi, tự tin hơn.

Thực tế hiện nay, hoạt động văn nghệ của người khuyết tật tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn như: Do không có Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi ở cơ sở nên việc tìm nguồn và vận động người khuyết tật tham gia rất khó; kinh phí để tổ chức các hoạt động còn hạn chế; nhiều người khuyết tật còn mặc cảm, tự ti… Nhưng dù vậy, những người khuyết tật vẫn đang nỗ lực từng ngày, bước những bước thật chậm, mong rằng toàn xã hội sẽ dang rộng vòng tay hơn nữa, động viên và giúp đỡ họ tiến về phía trước để có thể hòa nhập với cộng đồng./.

Bích Phượng

Xem thêm