Sức sống mới từ một con đường Phóng sự của: Tùng Vân

Dự án đường Quốc lộ 279 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đầu tư xây dựng, chủ yếu là mở mới từ thị trấn Chợ Rã qua các xã Cao Trĩ, Cao Thượng (huyện Ba Bể) thông sang tỉnh bạn Tuyên Quang. Từ khi được thông tuyến, đã thực sự giúp cho đời sống người dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Bể có nhiều khởi sắc.

Dự án đường Quốc lộ 279 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đầu tư xây dựng, chủ yếu là mở mới từ thị trấn Chợ Rã qua các xã Cao Trĩ, Cao Thượng (huyện Ba Bể) thông sang tỉnh bạn Tuyên Quang. Từ khi được thông tuyến, đã thực sự giúp cho đời sống người dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Bể có nhiều khởi sắc.


Những con đường mòn đã trở thành quá khứ


Xe tôi bon bon trên con đường vào xã Cao Thượng (Ba Bể), dừng chân trên một đỉnh đèo có độ cao khoảng chừng 800m so với mực nước biển, theo người dân cho biết đây là địa phận thôn Hin Lặp và thôn Khau Bút. Cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng 6 phả hơi nóng ngột ngạt vào mặt những người dân đang đi nương rẫy về, mồ hôi tuy ướt đẫm nhưng nhìn khuôn mặt ai cũng tươi cười hớn hở. Hin Lặp là tên thường gọi của người dân bản địa, dịch theo tiếng phổ thông là Đá Mài, vì khu vực này từng hàng đá như được xếp lên nhau, nước chảy róc rách ngày đêm, đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao tiền và Dao đỏ thôn Hin Lặp và thôn Khau Bút.

Sánh bước cùng một nông dân thôn Khau Bút trên con đường 279 rộng lớn, vừa đi người nông dân này vừa kể, bà đã sống ở đây gần hết một đời người rồi, nên biết rất rõ sự khổ cực vì con đường trước đây. Hồi xưa ở đây đến đi bộ còn khó khăn, chứ đừng nói là đi xe, nông sản làm ra muốn đem ra chợ bán đổi lấy cân dầu, cân muối phải gùi bằng sức người cả buổi mới đến chợ. Từ khi tuyến đường 279 được thảm nhựa phẳng lỳ người dân ở đây tậu được xe máy, khoảng 20 phút là mang được nông sản ra chợ bán; dần dần nhiều hộ sắm máy cày ruộng thay con trâu...

Con đường mòn này trước kia người dân thôn Hin Lặp đi lại xuống huyện giờ chỉ còn phục vụ bà con lên nương rẫy, chăn thả gia súc
Con đường mòn này trước kia người dân thôn Hin Lặp đi lại xuống huyện giờ chỉ còn phục vụ bà con lên nương rẫy, chăn thả gia súc

Nheo nheo đôi mắt dõi theo thấy có người lạ mặt dừng xe, ông Đặng Văn Hạo, dân tộc Dao Tiền ở thôn Khau Bút, thôn xa và cao nhất của xã Cao Thượng cho chúng tôi biết: “Đồng bào Dao chúng tôi ngày xưa thường di cư khi nơi này, mai chỗ khác kiếm chỗ sinh sống phát rừng làm nương rẫy, đường đi lại hằng ngày chủ yếu là đường mòn băng rừng, vượt núi. Nói đoạn, ông Hạo chỉ về phía đối diện nói: Chị nhìn xem, kia là con đường mòn mà chúng tôi thường xuyên đi lại cả mấy chục năm qua. Thời kỳ ông còn nhỏ, đi học phải men theo con đường mòn này, vượt mấy ki-lô-mét đường rừng để sang thôn Bản Ngù của xã Cao Trĩ để học, đường xá đi lại khổ cực, cộng với cuộc sống thiếu thốn nên ông không thể học hết cấp 1, không phải chỉ mình ông bỏ học, mà trước đây hiếm có ai học đến lớp 3, 4. Kể đến đây, nét mặt ông Hạo bất chợt tươi tỉnh trở lại rồi cười nói: Chị thấy đấy, đồng bào Dao Hin Lặp, Khau Bút giờ sướng rồi, những con đường mòn xưa kia nay coi như đã đi vào “huyền thoại” đối với chúng tôi; con em vùng này cũng có điều kiện theo học đầy đủ.

Ông Nông Văn Đạo, thôn Bản Ngù, xã Cao Trĩ  cho biếti: “Mặc dù Bản Ngù cách trung tâm huyện không mấy xa (khoảng 3km), nhưng trước đây chỉ là đường mòn dân sinh, cố gắng lắm cũng chỉ đi được xe đạp, vì thế, việc đi lại của người dân đi bộ là chính. Phải đến năm 2002, Nhà nước đầu tư rải cấp phối đường Tin Đồn - Cao Tân thì nhiều người dân thôn Bản Ngù và một số thôn khác như Nà Chả (Cao Trĩ), Khau Bút (Cao Thượng) mới biết đến chiếc xe đạp. Người lớn thì đau đầu về chuyện vận chuyển khi thu hoạch nông sản từ nương rẫy về nhà, mang ra chợ bán, trẻ con thì chưa tới trường quần áo đã lấm lem bùn đất…”. Tuyến đường 279 đã mở ra một hướng đi mới cho bà con thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa, có đưòng thương lái đến tận thôn thu mua nông sản, nhiều hàng quán mọc lên hai bên đường vào thôn, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi khác.

Từ đỉnh đèo Hin Lặp nhìn Quốc lộ 279 ngoằn ngoèo xuyên núi sang Tuyên Quang
Quốc lộ 279 địa  phận đèo Hin Lặp, xã Cao Thượng  xuyên núi thông sang tỉnh Tuyên Quang

Con đường khai phá tiềm năng


Dự án đường Quốc lộ 279 do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý đầu tư xây dựng, được khởi công từ năm 2008. Công trình có chiều dài hơn 36 km, chủ yếu là mở mới từ thị trấn Chợ Rã qua các xã Cao Trĩ, Cao Thượng (huyện Ba Bể) thông sang tỉnh bạn Tuyên Quang. Công trình được chia làm 6 gói thầu, trong đó, có 5 cầu được xây dựng mới. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, nền đường rộng 7m, mặt đường rộng 5m tráng nhựa. Riêng những đoạn qua thị trấn Chợ Rã được mở rộng lên 9m nền đường và 7m mặt đường. Những điểm: Thị trấn Nà Phặc và xã Hà Hiệu được nâng cấp mở rộng nhằm phục vụ yêu cầu quy hoạch lên thị trấn sau này. Ngoài ra, xã Hà Hiệu còn được đầu tư xây dựng một khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Đến xã Cao Thượng (địa phương được hưởng lợi nhiều nhất (7/15 thôn được hưởng lợi) từ tuyến đường huyết mạch này, trong đó, có 4 thôn đồng bào Mông và Dao, cảm nhận đổi thay vượt bậc từ tuyến đường này mang lại. Trụ sở chính quyền, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, kiên cố, đã xóa đi sự ngăn cách, lạc hậu trước đây.

Đồng chí Nguyễn Văn Duy- Chủ tịch UBND xã Cao Thượng nói với chúng tôi: Khi chưa có tuyến đường 279, Cao Thượng là một thung lũng bị ngăn cách bởi dòng sông Năng và núi cao. Mùa mưa, nước sông Năng lên cao Cao Thượng bị cô lập hoàn toàn. Lãnh đạo xã ra huyện, tỉnh họp có xe máy cũng phải gửi nhà người quen cách vài ki-lô-mét, đến nay ít nhất mỗi nhà cũng đã có 1 chiếc xe máy phục vụ đi lại, vận chuyển nông sản. Tuyến đường được mở qua địa phương, không chỉ hết sự ám ảnh lo âu khi mùa mưa đến mà còn là đầu mối giao thông liên lạc giữa địa phương với các xã của huyện Pác Nặm và tỉnh Tuyên Quang, giúp Cao Thượng xóa bỏ những ngăn cách, lạc hậu, chậm phát triển. Giờ đây giao thông đã thuận tiện, mục tiêu trọng tâm đảng bộ, chính quyền xã đề ra là tận dụng hơn 3.600 ha đất đồi để phát triển kinh tế rừng, phủ xanh đất trống, do đó, năm 2010 toàn xã mới chỉ trồng 10ha rừng thì đến năm 2014 đã tăng lên 170ha”.

Quốc lộ 279 làm thay đổi bộ mặt trên địa bàn huyện Ba Bể
Quốc lộ 279 góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực trung tâm huyện.

Ông Hà Văn Trường- Chủ tịch UBND huyện Ba Bể khẳng định: Tuyến đường 279 được xây dựng đi qua địa phương đã và đang giúp phát triển các dịch vụ du lịch, ẩm thực, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của huyện. Những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em nơi đây ngày càng thu hút đông đảo du khách tìm đến khám phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho 2 tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang. Các địa phương: Hà Hiệu, Bành Trạch, Thị trấn Chợ Rã, Cao Trĩ, Cao Thượng có tuyến đường 279 chạy qua, nhiều nhà dân hai bên đường tạm bợ trước đây giờ nhiều hộ đã nâng cấp thành nhà xây, nhà gỗ kiên cố, bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, các cửa hàng kinh doanh buôn bán, quán ăn mọc lên, tạo nên một diện mạo mới. Riêng xã Cao Thượng, từ chỗ 8 thôn chưa có đường ô tô đến thôn nay chỉ còn 1 thôn. Rồi đây, khi cộng hưởng “buôn có bạn, bán có phường” với các tỉnh bạn Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, sẽ hình thành một thương hội vững chãi, Ba Bể sẽ có thêm nhiều cơ hội xây dựng huyện nhà ngày một giàu đẹp, văn minh./.

T.V

Xem thêm