Tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động

Song song với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm tại địa phương, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực nghiên cứu, tìm thị trường cho lao động đặc biệt là chú trọng tới thị trường trong nước.

Theo thống kê của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng gần 250 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó có khoảng 30 nghìn lao động đang làm việc ở ngoài tỉnh.

Đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thăm các lao động tại các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh
Đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thăm người lao động tỉnh Bắc Kạn làm việc tại tỉnh Quảng Ninh

Vừa qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức thăm nắm tình trạng việc làm của lao động tỉnh Bắc Kạn đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh nhằm thu thập thông tin, nhu cầu sử dụng lao động, tình hình công việc, việc làm của người lao động tại đây để xây dựng kế hoạch đào tạo, kết nối cung cầu cho thị trường lao động ở các tỉnh, thành này trong thời gian tới. Tham dự đoàn công tác còn có lãnh đạo các huyện, thành phố.

Qua khảo sát thực tế cho thấy người lao động hiện đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố này thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng trở lên/người/tháng, đặc biệt lao động làm việc tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn lực không nhỏ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, hiện nay Bắc Kạn có khoảng trên 1.000 lao động đang làm việc, trong đó có khoảng 100 lao động đang làm việc cho Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam với mức lương từ 17-25 triệu đồng/người/ tháng. Từ năm 2018 đến năm 2021 Trường Cao đẳng Than - khoáng sản Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tuyển sinh, giải quyết việc làm cho trên 544 lao động.

Đồng chí Đồng Văn Lưu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thăm, động viên các lao động của tỉnh Bắc Kạn đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh
Đồng chí Đồng Văn Lưu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tặng quà, động viên các lao động của tỉnh Bắc Kạn đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh

Đầu năm 2016, Trường Cao đẳng than- khoáng sản Việt Nam trực tiếp đến xã Đại Sảo tuyển sinh lao động, anh Hoàng Đức Huyến, ở thôn 2 xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn đã đăng kí học. Tại trường anh không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào mà còn  được nhà trường bố trí ở kí túc xá miễn phí và hỗ trợ tiền ăn hằng tháng. Ngay sau khi học xong ra trường anh cũng đã được bố trí công việc ổn định từ đó đến nay với mức thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/tháng.

Anh Bàn Văn Hùng ở xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông làm công nhân tại Công ty TNHH Texhong Ngân Hà tại huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh gần 7 năm nay. Anh cho biết công việc ở đây phù hợp với bản thân, thu nhập khá. Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vào các dịp lễ Tết công ty bố trí xe đưa công nhân về thăm quê và đón trở lại công ty làm việc.

Ông Tào Ân Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Texhong Ngân Long tại thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao và ghi nhận về trình độ cũng như tinh thần trách nhiệm trong công việc của công nhân lao động Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Mặc dù ở tỉnh miền núi xa xôi đến công ty làm việc, nhưng chỉ sau thời gian ngắn tập huấn, người lao động Bắc Kạn đã có thể tiếp cận công việc, đảm bảo về trình độ kỹ thuật và tay nghề, làm ra được những sản phẩm đạt được yêu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, đối với một số công việc mang tính đặc thù đòi hỏi lao động phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nên thường xuyên đào tạo, huấn luyện về kiến thức, kỹ năng đảm bảo tác phong, tư duy công nghiệp  thì lao động Việt Nam trong đó có lao động Bắc Kạn vẫn còn hạn chế, đó là việc ngại học.

Qua tìm hiểu thực tế, số lượng lao động của tỉnh Bắc Kạn hiện đang làm việc tại Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam vẫn còn chưa nhiều, chỉ xếp thứ 11/12 tỉnh miền núi phía Bắc, mặc dù nguồn tuyển hằng năm vẫn có.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong chuyến công tác này, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện Trường Cao đẳng Than-khoáng sản Việt Nam đã ký quy chế phối hợp công tác đào tạo nghề, bố trí việc làm cho lao động tỉnh Bắc Kạn, phấn đấu mỗi năm sẽ đưa từ 300 lao động trở lên đến làm việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.  Thông qua chương trình này sẽ giúp thực hiện hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, khai thác đối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động địa phương, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, tạo nguồn thu nhập đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Ông Đồng Văn Lưu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá: “Việc tổ chức các chuyến công tác, thăm nắm tình hình lao động của tỉnh đang làm việc ở các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh như thế này sẽ giúp ngành có đầy đủ thông tin nhất về thực trạng, đời sống, thuận lợi, khó khăn của lao động địa phương, đồng thời nắm được nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn, doanh nghiệp để có giải pháp tuyên truyền, thông tin đến người lao động, triển khai công tác đào tạo nghề cho phù hợp”.

Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và xu hướng phát triển chung của khu vực, trong nước và quốc tế. Làm tốt công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, lực lượng lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tăng cường kết nối cung - cầu lao động mở rộng thị trường lao động được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm mới cho khoảng 5.500 lao động của tỉnh mỗi năm./.

Phương Thảo

Xem thêm