20 năm đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, 20 năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách đã được TP. Bắc Kạn triển khai rộng rãi. Nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Bắc Kạn họp triển khai nhiệm vụ.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Bắc Kạn họp triển khai nhiệm vụ.

Trong suốt chặng đường 20 năm qua, người dân thành phố Bắc Kạn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đã quen thuộc với hình ảnh các cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) hằng tháng có mặt tại trụ sở UBND các xã, phường để giải ngân, thu nợ, thu lãi và nhận tiền gửi của khách hàng. Có thể nói, mô hình "Điểm giao dịch” của hệ thống NHCSXH đặt tại các xã, phường chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Mô hình này vừa tạo thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, tạo được lòng tin của Nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và đối với hoạt động của NHCSXH nói riêng.

Quá trình triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, mô hình tổ chức của NHCSXH được quan tâm hoàn thiện phù hợp với thực tiễn gồm Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố và bộ máy điều hành tác nghiệp là các phòng chuyên môn tại Hội sở NHCSXH tỉnh. Phương thức cho vay chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH là gần 190 tỷ đồng, với trên 3.500 khách hàng đang vay vốn, chiếm 98,83% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại TP. Bắc Kạn. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý gần 77 tỷ đồng với 1.445 khách hàng đang vay vốn tại 51 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); Hội Nông dân quản lý gần 46 tỷ đồng với 866 khách hàng đang vay vốn tại 35 tổ TK&VV; Hội Cựu chiến binh quản lý trên 31 tỷ đồng với 619 khách hàng đang vay vốn tại 28 tổ TK&VV; Thành đoàn quản lý trên 33 tỷ đồng với 611 khách hàng đang vay vốn tại 23 tổ TK&VV.

Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn).
Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân tại xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn).

Quá trình thực hiện đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để chuyển tải nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phương thức cho vay ủy thác với hiệu quả đem lại đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH.

Qua kết quả rà soát, phân loại, có 113 tổ TK&VV xếp loại tốt (tỷ lệ 82,4%); 19 tổ TK&VV xếp loại khá (tỷ lệ 13,8%); 05 tổ TK&VV xếp loại trung bình (tỷ lệ 3,6%). Các tổ TK&VV đã phát huy vai trò là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ.

Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tại địa bàn thành phố đạt trên 190 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng (gấp 9,3 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động. Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là gần 12 tỷ đồng, đến nay, Hội sở NHCSXH tỉnh đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách. Trong 20 năm thực hiện, thông qua NHCSXH có trên 33.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 634 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 446 tỷ đồng.

Gia đình chị Cao Thị Bông ở tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng có thu nhập ổn định nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Gia đình chị Cao Thị Bông ở tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng có thu nhập ổn định nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 400 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động; giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 5.100 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường... Việc tiếp cận nguồn vốn đã góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen", giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Có nhiều gia đình nhờ nguồn vốn của NHCSXH đã vươn lên ổn định cuộc sống. Có thể kể đến chị Cao Thị Bông ở tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng. Thời điểm đầu chị chỉ dám vay ít, đến khi kinh tế dần ổn định đã mạnh dạn vay nhiều hơn để đầu tư nuôi bò, lợn sinh sản. Hiện tại chị đang vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện gia đình chị đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hay như anh Phạm Xuân Trí ở tổ 5, phường Nguyễn Thị Minh Khai, nhờ được vay 70 triệu đồng từ NHCSXH đã có điều kiện đầu tư mở rộng xưởng mộc, không chỉ nâng cao thu nhập của gia đình, mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 02 lao động khác…

Được vay vốn tín dụng chính sách, anh Phạm Xuân Trí ở tổ 5, phường Nguyễn Thị Minh Khai có điều kiện mở rộng xưởng mộc của gia đình.
Được vay vốn tín dụng chính sách, anh Phạm Xuân Trí ở tổ 5, phường Nguyễn Thị Minh Khai có điều kiện mở rộng xưởng mộc của gia đình.

Ông Dương Hữu Bường- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Bắc Kạn cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đã góp phần nâng mức thu nhập của người dân trên địa bàn từ 1,85 triệu đồng/người năm 2002 lên 41,8 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 39,9 lần); giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,76% vào cuối năm 2021, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động NHCSXH đã huy động nguồn lực chính trị, xã hội cùng thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đã và đang từng bước cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho bước phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Chặng đường 20 năm qua cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần giúp TP. Bắc Kạn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là nền tảng, động lực để NHCSXH tiếp tục củng cố và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, xây dựng ngân hàng ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, với quá trình phát triển đi lên của TP. Bắc Kạn nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung./.

H.V

Xem thêm