Lên vùng cao tận mắt thấy chuyện dạy và học

                                                                                                   Phóng sự của Tùng Vân

                                                                                                   Phóng sự của Tùng Vân

Với tình thương học trò, các giáo viên phải lặn lội đường xa, cõng trên lưng sách, vở, lương thực, vượt qua núi cao hiểm trở để đến các bản dạy chữ. Lòng nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ khiến họ quên đi mọi sự nhọc nhằn, sẵn sằng cống hiến tuổi thanh xuân để gieo cái chữ trên non cao.

Gian nan giáo viên “cắm bản”
Năm học 2015-2016 đã chính thức học được hơn một tháng. Để hiểu hơn về những khó khăn trong công tác dạy và học của thầy và trò các thôn bản vùng cao, chúng tôi quyết định đi đến một số điểm trên địa bàn huyện Ba Bể, trực tiếp chứng kiến những khó khăn trong việc dạy và học của cô, trò nơi đây.

Điểm trường đầu tiên chúng tôi đến là Tồm Làm thuộc xã Bành Trạch (Ba Bể). Tồm Làm 100% số hộ dân là đồng bào dân tộc Dao, hiện nay thôn có 43 hộ, được biết, bà con nơi đây chuyển từ Cao Bằng về định cư sinh sống cũng đã được mấy chục năm. Ngôi trường tọa lạc ngay đầu làng, cách tuyến tỉnh lộ 253 chỉ khoảng hơn 1 ki-lô-mét, nhưng đây là khu tiếp giáp với thôn Nà Bản, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), dưới chân đèo Cô-lê-a có độ cao hơn 1000 m so với mặt nước biển, do vậy, nơi đây luôn có nhịêt độ trung bình năm khoảng từ 15 - 18 độ c. Điểm trường Tồm Làm có 1 lớp mẫu giáo với 12 cháu ở các độ tuổi từ 2-5 tuổi; 1 lớp 1 và 1 lớp ghép 2 trình độ 2 + 3.

Cuốc bộ, leo dốc đường rừng, việc thường niên của giáo viên cắm bản vùng cao
Cuốc bộ, leo dốc đường rừng, việc thường niên của giáo viên cắm bản vùng cao ở huyện Ba Bể

Thầy Hứa Văn Mạo dạy lớp ghép 2 trình độ 2+3, tâm sự với chúng tôi: Thầy đã có thời gian 15 năm bám trường, bám lớp ở các điểm trường vùng cao của huyện Pác Nặm và Ba Bể, trong đó, có “thâm niên” 13 năm dạy lớp ghép 2, 3 trình độ nên thầy hiểu cái nhọc nhằn của việc dạy và học cái chữ ở vùng cao nói chung, điểm trường Tồm Làm nói riêng vốn rất thiếu thốn, khổ cực. Giáo viên khi được phân công lên vùng cao dạy học, dù gia đình ở trong huyện hay ngoài huyện các cô vẫn phải xác định chuẩn bị tư trang cá nhân, lương thực, thực  phẩm cho cả tuần nằm vùng tại điểm trường, đấy là đối với giáo viên có gia đình ở trong huyện, còn ngoài huyện, ngoài tỉnh sẽ phải tính cả tháng thậm chí, 2,3 tháng mới về thăm gia đình được 1 lần. Thế nhưng, có lẽ cái khó khăn nhất dạy và học ở các điểm trường vùng cao, vùng sâu vẫn là việc bất đồng về ngôn ngữ. Để các em nhận biết cái chữ, nói và nghe được tiếng phổ thông, không còn cách nào hơn là giáo viên phải học được tiếng dân tộc của các em trước, sau đó mới phiên dịch ra tiếng phổ thông; tạo sự niềm tin, gần gũi, chiều chuộng thì các em mới đến lớp và không bỏ học.Năm học này theo chỉ đạo của ngành, Tồm Làm đã thực hiện học 2 buổi/ngày nên bố mẹ các cháu không cần ngồi chờ, chứ năm học trước bố mẹ các em còn chờ ngoài cổng cho đến lúc tan trường đón con.

Rời Tồm Làm, chúng tôi đi tiếp đến điểm trường đồng bào Mông thôn Nhật Vẹn, xã Phúc Lộc, 12 giờ trưa, mặt trời cũng chiếu đỉnh đầu ăn tạm bát mì tôm ở một quán nhỏ bên đường. Gọi là quán, nhưng ở vùng cao đâu phải như các quán ở thị trấn hay trung tâm xã. Quán ở bản chỉ có vỏn vẹn vài gói mì tôm, vài gói bánh, kẹo nhỏ...

Giữa trưa, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ leo con dốc theo con đường mòn để đến điểm trường Nhật Vẹn, xã Phúc Lộc. Đang giờ nghỉ, tôi nhẹ nhàng nhìn qua khe hở của lớp học được bưng bằng tre nứa. Trong lớp, mấy em học sinh em thì nằm ngủ trên chiếc bàn học, em thì nằm trên ghế, có vài em lại đang chăm chú viết bài. Gian bên cạnh là phòng chờ của giáo viên. Một cô giáo đang nằm nghỉ trong gian nhà rộng chừng chục m2 được quây và lợp một số là bạt, một số bằng tre, nứa. Hình ảnh vừa vui, vừa buồn xen lẫn trong tôi. Vui với hình ảnh các em rất chăm chú học, buồn bởi cái khổ cực trong ăn, nghỉ của cô, trò nơi đây.

Giờ nghỉ trưa của các em ở lớp
Giờ nghỉ trưa của các em ở lớp

Khát khao được học cái chữ

Nhật Vẹn mệnh danh nhiều cái “không” của xã Phúc Lộc: Không đường, không điện thắp sáng, không thông tin liên lạc, không đất ruộng canh tác.., cuộc sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm nương rẫy, mèn mén là món ăn duy nhất bà con tự cấp được, nhưng nhiều hộ vẫn bị thiếu lúc giáp hạt. Hằng ngày, nơi đây người lớn thường lên rẫy khi gà còn gáy trong chuồng và chỉ trở về nhà khi trời đã tối mịt. Bố mẹ bận với nương rẫy, trẻ em phải tự lo cho mình, đứa lớn chăm đứa bé đã trở thành một thông lệ. Chính vì vậy mà trước đây phần lớn các em không được đi học hoặc phải nghỉ học sớm ở nhà phụ giúp cha mẹ lên nương lo cuộc sống. Không có điện, buổi tối các em phải học bài bên ánh đèn dầu lờ mờ.

Cô Hoàng Thị Tơn, giáo viên ở điểm trường tâm sự: Hàng tuần, hằng tháng, các cô giáo phải cõng từng ống gạo và các nhu yếu phẩm từ nhà đưa lên. Khó khăn là vậy, nhưng 3 cô giáo ở điểm trường Nhật Vẹn, xã Phúc Lộc thấu hiểu rằng, so với những thiếu thốn, nghèo khổ của các em học sinh thì đâu có thấm tháp. Do đời sống của bà con chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp nên rất ít hàng hóa để trao đổi mua bán. Các em thiếu thốn mọi thứ, đã có không ít trường hợp do cuộc sống khó khăn phải bỏ học, thầy, cô đến vận động, thuyết phục mang theo gạo giúp đỡ để các em trở lại lớp.

Nếu ai một lần đến điểm trường Nhật Vẹn, sẽ không khỏi chạnh lòng khi được tận mắt chứng kiến bữa cơm trưa của 14 em học sinh đồng bào Mông nơi đây. 14 em học sinh thì chỉ có duy nhất 1 em có thìa xúc cơm, còn lại đều bốc bằng tay và chỉ duy nhất cơm không, em nào được bố mẹ chu đáo lắm cũng chỉ  rang cơm lên cho có thêm chút muối. Đến trưa cơm rang hay không rang cũng đã nguội ngắt và khô cứng…Nhà thì xa lớp học, em gần nhất cũng 2, 3 km, xa thì 4,5 km đường đồi núi, nên điểm trường có 16 em thì chỉ có 2 em không phải nắm cơm đến lớp. 

Bữa cơm của các em học sinh điểm trường Nhật Vẹn
Bữa cơm trưa của các em học sinh điểm trường Nhật Vẹn

Cô Tơn cho biết: Gia đình cô ở Hà Hiệu, cách lớp học hơn chục km, nhưng do đường xá khó đi, một nửa đường là đi bộ leo dốc đường rừng nên sáng đi chiều tối mới về nhà vì thế cô phải nắm cơm cùng ăn tại lớp với các em học sinh. Cô Tơn kể: “Có hôm một bé gái tự nhiên khóc nức nở, cả cô và các trò khác ngơ ngác lo lắng tưởng em bị đau bụng, hỏi ra thì em ấp úng bảo: Cơm khô cứng, không có thức ăn nên không ăn được…”. Chỉ nghe đến đây thôi, chúng tôi đã không thể cầm lòng. Hôm nay, sau bữa cơm trưa khắc khổ, chúng tôi phát bánh, kẹo cho các em, các em rôm rả hẳn lên. Ăn xong, các em chủ động ngồi ngay ngắn vào bàn, chăm chú học bài…

Chia tay các em học sinh và giáo viên phân trường vùng cao nơi đây,  hình ảnh các em và nắm cơm bữa trưa cứ  hiện hữu trong tôi. Bữa ăn của các cháu quá đạm bạc, nắm cơm trong chiếc túi nilon, không thìa, không đũa, không một miếng thức ăn, nhìn chúng ăn mà lòng quặn thắt. Cuộc sống nơi vùng cao còn quá nhiều khó khăn, từ nơi đây cũng càng thấy cảm phục những giáo viên “cắm bản”. Họ đã làm cho cuộc sống bọn trẻ nơi non cao trở nên tươi đẹp hơn, chắp cánh những ước mơ cho các em. Hy vọng những công sức của các thầy cô sẽ góp phần làm đổi thay nơi vùng núi heo hút, nghèo khó này./.

 

Xem thêm