Bí xanh thơm đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân huyện Ba Bể. Với diện tích hơn 200ha, bí xanh dần trở thành hàng hóa, có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, hàng nghìn hộ dân tham gia trồng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm.
Bí xanh thơm Ba Bể đã phục tráng thành công, cho năng suất, chất lượng và mẫu mã đẹp. |
Để quả bí xanh có chất lượng tốt, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên thực hiện Đề tài phục tráng bí thơm Ba Bể. Qua 4 vụ năm 2020-2021, Đề tài đã lựa chọn được 2 giống LVC và T13, đại diện 2 kiểu hình đặc trưng, có thể phát triển. Tuy nhiên dòng ưu tiên phát triển đại trà là LVC; dòng T13 quy hoạch phát triển để duy trì nguồn gen bản địa.
Sau khi đã lựa chọn được bộ giống, vụ bí năm 2022, Đề tài đã xây dựng 1ha mô hình sản xuất giống theo kế hoạch tại xã Địa Linh (0,56ha) và Yến Dương (0,44ha). Hiện nay mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt 30-35 tấn/ha, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn làm giống khoảng 60% (18-21 tấn/ha). Sở KH&CN đã phối hợp với cơ quan chủ trì bàn giao 5 tấn quả bí giống cho địa phương tiếp nhận, quản lý để sản xuất giống phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Cùng với đó, Đề tài đã tổ chức 2 lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống và quản lý giống bí thơm Ba Bể cho 100 người tại 2 xã Địa Linh và Yến Dương. Đối tượng tham dự là bà con nông dân sản xuất bí thơm và một số cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật của huyện Ba Bể.
Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy chia sẻ: "Tham gia cùng người dân trồng phục tráng giống bí xanh, chúng tôi thấy bí giống được phục tráng quả đều hơn, mẫu mã đẹp hơn, năng suất tăng rõ rệt; bí thơm, bở và pha chút dẻo theo đúng dòng bí bản địa. Ngay sau khi có bí giống phục tráng, HTX Nhung Lũy đã lựa chọn vùng đất riêng, không gần những ruộng bí của người dân để trồng. Chúng tôi hy vọng bí xanh của Ba Bể từ vụ tới sẽ có giá bán cao hơn, chất lượng tốt hơn và năng suất sẽ cao hơn".
Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy vui mừng cầm trên tay quả bí giống mới được phục tráng thành công. |
Từ năm 2018 đến nay, diện tích bí thơm trên địa bàn huyện Ba Bể tăng nhanh, từ khoảng 40ha năm 2018, đến năm 2022 đã đạt hơn 200ha, tập trung chủ yếu ở các xã Địa Linh, Hà Hiệu và Yến Dương. Trung bình 1ha bí thơm cho năng suất trên 20 tấn/ha. Một số diện tích thâm canh cao có thể đạt trên 30 tấn/ha. Để chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc người dân thu hái và bán tại chỗ, huyện Ba Bể đã liên kết với nhiều cơ sở, đại lý, siêu thị ngoài tỉnh. Giá bán bí thơm xanh tại địa bàn huyện Ba Bể dao động từ 7.000-13.000 đồng/kg tùy thời điểm và có thể cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Bí xanh Ba Bể ngoài thị trường có 2 loại, loại vỏ màu xanh đậm và xanh phủ phấn trắng, trọng lượng từ 1,5 - 3kg/quả. Đối với bí thơm Ba Bể, cả thân, lá và hoa đều có mùi thơm, khi chế biến có độ dẻo và mùi thơm dịu hấp dẫn. Trên thị trường, giá trị loại vỏ xanh thường rẻ hơn loại vỏ phấn trắng vài nghìn đồng/kg.
Hiện nay, người dân thường trồng hai vụ chính là vụ Xuân Hè (tháng 2 đến tháng 6) và vụ Hè Thu (tháng 7 đến tháng 9). Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân thì trồng vụ Hè Thu cho năng suất cao hơn, bí thơm hơn. Nếu trồng vào cuối vụ (tháng 9) năng suất bị giảm và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết từng năm.
Định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Ba Bể đã xác định bí thơm là cây hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Để phát huy các lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm sản xuất của người dân nơi đây, cần có các biện pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm bí ra thị trường. Việc phục tráng thành công giống bí, ứng dụng khoa học tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm là bước đi đầu tiên để canh tác bền vững, hiệu quả loại cây trồng này./.
Trần Tuyến