Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai một số dịch vụ từ nguồn xã hội hóa, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân được nâng lên, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thực hiện Quyết định 151/QĐ-UBND ngày 28/01/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê và phương án giá các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước tại các đơn vị khám, chữa bệnh công lập trực thuộc ngành Y tế tỉnh, cùng với triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao tại Bệnh viện, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến, từ năm 2019 Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai một số dịch vụ từ nguồn xã hội hóa, như giường tự nguyện; dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà; tư vấn điều trị qua Đề án 1816; trực tuyến khám, chữa bệnh từ xa…
Ông Nguyễn Văn Nam, bệnh nhân đã sử dụng dịch vụ giường tự nguyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước đây, do chưa có giường tự nguyện, mỗi lần đến khám và điều trị nội trú, tôi cảm thấy không thoải mái, vì phải ở chung phòng với nhiều người nhưng trang bị trong phòng chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản. Khi biết Bệnh viện có dịch vụ giường tự nguyện, với giá dịch vụ 200 nghìn đồng/ngày, khi đến điều trị tôi đã sử dụng dịch vụ và khá hài lòng.
Tuy nhiên, bên cạnh triển khai một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa đầu tư được nhiều trang thiết bị hiện đại và nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn cao từ nguồn xã hội hóa.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Văn Tuyến cho biết: Bệnh viện Đa khoa là tuyến điều trị cao nhất của ngành Y tế trong tỉnh, trung bình mỗi ngày có trên 400 lượt bệnh nhân đến khám và khoảng 500 - 600 người bệnh điều trị nội trú. Thực hiện quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế, cùng với chủ động xây dựng và thực hiện trên 11.000 danh mục kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn luôn quan tâm triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, mỗi năm xây dựng và triển khai khoảng 10 đến 30 dịch vụ kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó có nhiều dịch vụ kỹ thuật có yêu cầu trình độ cao cụ thể như: Phẫu thuật thay khớp háng, gắp dị vật phế quản qua máy nội soi, chạy thận nhân tạo thường quy, điều trị và chăm sóc sơ sinh non yếu và sơ sinh bệnh lý qua lồng ấp, xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán, xét nghiệm xác định đột biến chẩn đoán sớm Thalasemia, xét nghiệm HBV đo tải lượng Real - Time PCR, siêu âm 4D tim và mạch máu, chụp CT Scaner kỹ thuật số, MRI... Bệnh viện cũng triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh qua Đề án 1816; khám chữa bệnh trực tuyến từ xa.
Tuy nhiên, đến nay, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại hoặc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, nhằm thu hút cán bộ trình độ chuyên môn cao từ chương trình xã hội hóa tại Bệnh viện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Do vậy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị; được cung cấp các dịch vụ chuyên môn có chất lượng cao và cung ứng các dịch vụ tại chỗ như: Suất ăn, giải khát, hàng tiêu dùng, chỗ ở cho người bệnh, người nhà người bệnh... để người bệnh và gia đình người bệnh hoàn toàn yên tâm khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng Đề án xã hội hóa trong công tác y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 41 dịch vụ.
Khi được phê duyệt, đề án sẽ kết hợp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước với sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh phù hợp theo đúng thiết kế xây dựng bệnh viện; sử dụng đúng mục đích, phát huy hết công năng và hiệu quả sử dụng tài sản công; đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao của bệnh viện, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển bệnh viện, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động./.
Việt Bắc