Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 36, ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó, Kết luận đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh nguồn nước, đồng thời đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước; đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước từng bước được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên…
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước còn thiếu, chưa đồng bộ…
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất; thể chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế tài nguyên nước; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm...
Đảm bảo an ninh nguồn nước đối với các công trình nước tự chảy đang còn nhiều bất cập. |
Kết luận cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất,… Đến năm 2030, cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn;…
Thực tế cho thấy, tại tỉnh Bắc Kạn hiện nay có hàng nghìn công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo điều kiện cho khoảng 95,5% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ngày 23/6/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 880/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, phân công các cấp, các ngành tới tận chính quyền cấp xã đều có trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ, tiêu thụ cũng như tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn nước.
Đối với hệ thống cung cấp nước sạch do Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bắc Kạn quản lý lên tới 15.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 16.000 khách hàng trên toàn tỉnh. Nguồn nước chủ yếu bơm từ nước mặt sông, suối về Nhà máy để xử lý lọc… Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác; UBND cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước khá lỏng lẻo, do chưa có hệ thống giám sát đầu nguồn các công trình nước tự chảy, do vậy khó kiểm soát được chất độc nguy hại chảy vào đường ống dẫn nước. Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là, tỉnh ta với hàng nghìn công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy, không qua xử lý, dẫn nước từ khe núi về từng hộ gia đình ở làng, bản. Việc quản lý, khai thác, cung cấp cho người tiêu dùng đang gặp nhiều bất cập. Quy định phải thành lập tổ dùng nước, có thu tiền đã được triển khai nhưng hiệu quả rất thấp, mới chỉ có số ít địa phương thực hiện được. Do vậy, công tác đảm bảo an ninh nguồn nước chưa thực sự an toàn khiến cho nhiều công trình có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Đối với hệ thống cấp nước sạch do Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bắc Kạn quản lý cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Ông Phạm Công Lập- Giám đốc Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bắc Kạn cho biết: Mặc dù quy trình lọc sử dụng công nghệ bể lọc không van tự rửa; đầu tư cải tạo hệ thống giám sát chất lượng nước tự động; hệ thống giám sát GPRS trạm bơm nước thô; hệ thống sản xuất Javen từ muối ăn tại nhà máy cấp nước thành phố;… nhưng đối với những chất độc nguy hiểm thì rất khó phát hiện. Trước đây, Trạm cấp nước Yên Đĩnh của Công ty, cấp nước cho thị trấn Đồng Tâm (Chợ Mới) bị kẻ gian đổ dầu vào hồ chứa, rất may phát hiện và xử lý kịp thời. Đấy là dầu nổi trên mặt nước chứ chất độc khác thì rất khó phát hiện. Ngoài ra, đầu nguồn nước của nhà máy cấp nước thành phố Bắc Kạn cũng đã phải chịu nước đục do có đối tượng đào đắp trên nguồn nước, dẫn tới máy lọc không đạt độ trong. Lo lắng của chúng tôi là việc quản lý, giám sát đầu nguồn nước không dễ dàng vì dòng sông, suối chảy dài và rộng, nên chủ yếu trông chờ sự tham gia quản lý của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân phía thượng nguồn.
Nước là vấn đề thiết yếu của cuộc sống, gắn chặt với sự an toàn của cộng đồng, an ninh quốc gia. Do vậy, việc thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước là hết sức cấp thiết nhằm xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước; quản lý chặt chẽ khai thác nước ngầm ở khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn, sụt lún đất. Đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, bảo vệ nguồn nước. Bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; đẩy nhanh việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khu vực sa mạc hoá; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thuỷ, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng vì mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước./.
Phan Quý