Trước các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT liên tục khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch và không cung cấp dữ liệu cá nhân quan trọng qua các kênh không chính thống.
Cảnh giác trước các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán
Các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán đang ngày càng phổ biến, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vào thời điểm này, nhu cầu đổi tiền lẻ (tiền mới) để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng trong dịp Tết là rất lớn, điều này đã tạo cơ hội cho các dịch vụ đổi tiền online xuất hiện. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời cơ, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo với những thủ đoạn hết sức tinh vi.
Năm nào cũng vậy, cứ đến cận dịp Tết, chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lì xì tết" trên mạng xã hội là hàng trăm bài đăng, hội nhóm hiện ra với những lời mời gọi, cam kết "tiền thật", "tiền mới", "giá rẻ nhất thị trường",... Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận "đổ buôn" tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu hay tuyển cộng tác viên đăng bài. Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, "dân buôn tiền" trên mạng internet còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ của nhiều nước. Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế tùy vào độ độc, lạ của loại tiền.
Tham khảo giá một vài cơ sở đổi tiền mới tại Hà Nội, mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng có phí đổi là khoảng từ 5 - 6%. Với mức tiền cao hơn hoặc đổi nhiều tiền hơn thì mức phí đổi sẽ rẻ hơn một chút. Thậm chí, còn có khái niệm "tiền lướt", tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2-3%. Tuy nhiên, những quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên các trang mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đổi tiền. Thực tế đã có nhiều nạn nhân thực hiện giao dịch đổi tiền mới nhưng khi nhận lại tiền được đổi thì không đủ như cam kết, thậm chí khi nhận lại là tiền giả. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, "bùng" tiền cọc của khách. Thông thường những người "sập bẫy" các chiêu lừa đảo và bị đổi tiền giả đều xem như "xui", không dám trình báo đến các cơ quan chức năng vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả.
Theo đó, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng không được phép, đều vi phạm quy định pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành "con mồi" tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. Chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp. Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch, hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường. Cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cảnh báo lừa đảo thông qua ứng dụng Signal
Ngày 30/12/2024, các chuyên gia an ninh mạng phát đi cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo trên nền tảng nhắn tin, gọi điện miễn phí và được mã hóa 2 chiều - Signal.
Một xu hướng rõ rệt là nhiều kẻ lừa đảo đang hoạt động từ các "trại lừa đảo" trong khu vực Đông Nam Á, đang chuyển từ Telegram sang Signal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính. Cách thức lừa đảo quen thuộc bao gồm: các nền tảng đầu tư tài chính giả mạo, lừa đảo tình cảm, và mạo danh người khác; gửi các đường link chứa mã độc để lừa đảo… Thậm chí, các đối tượng này cũng thực hiện chiêu thức mạo danh cơ quan nhà nước để chiếm lòng tin nạn nhân hoặc giả làm nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính để yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền. Đối tượng xấu tận dụng ứng dụng nhắn tin bảo mật này để lừa đảo bởi Signal là ứng dụng mã hóa cao, giúp che giấu hành vi của chúng. Đồng thời, chúng dễ dàng tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội này để xây dựng lòng tin trước khi thực hiện hành vi lừa đảo.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác hơn, không chỉ với một ứng dụng, mà trên tất cả nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí. Cần chậm lại, kiểm tra kỹ danh tính, rà soát cơ hội đầu tư và tuyệt đối không chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng. Không chia sẻ thông tin nhạy cảm như mã OTP, mật khẩu hay thông tin tài chính. Luôn xác thực bất kỳ đường dẫn, tài khoản hoặc tổ chức lạ trước khi thực hiện hành động. Nếu nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, tuyệt đối không tiếp tục giao dịch hay đối thoại, đồng thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cảnh giác chiêu trò mạo danh nhân viên ngân hàng nhằm lừa đảo vay tiền, đáo hạn
Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến trong lĩnh vực tài chính thời gian gần đây là mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo vay tiền hoặc đáo hạn. Thủ đoạn này đã khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người không có nhiều kinh nghiệm về tài chính, rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Huỳnh Như (sinh năm 1998, ngụ huyện Xuân Lộc) để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản." Theo kết quả điều tra ban đầu, do cần tiền trả nợ, từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, Lê Thị Huỳnh Như mạo danh là nhân viên ngân hàng, đang có khách hàng cần vay tiền để đáo hạn (như lừa vay một người đàn ông tên S số tiền 16,2 tỷ đồng, vay ông Đ.T.G số tiền 3,25 tỷ đồng), sau đó chiếm đoạt. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Đồng Nai nhận định thủ đoạn của Lê Thị Huỳnh Như tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người bị lừa.
Các đối tượng thường tự xưng là nhân viên của một ngân hàng lớn, gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng với lý do "thông báo về các gói vay ưu đãi" hoặc "cập nhật thông tin tín dụng". Sau đó, họ yêu cầu người vay cung cấp các thông tin cá nhân như số CMND, số tài khoản ngân hàng, mức thu nhập, mục đích vay… Thậm chí, nếu khách hàng đang có khoản vay tại ngân hàng, đối tượng sẽ thông báo "đã đến hạn thanh toán" hoặc "cần phải gia hạn khoản vay". Họ yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào một tài khoản khác hoặc cung cấp thông tin tài chính cá nhân để "đảm bảo giao dịch". Sau khi nạn nhân tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, đối tượng sẽ trình bày các lý do bắt nạn nhân phải chờ đợi rồi tiếp đó chặn mọi liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Người dân cần chú ý rằng các ngân hàng sẽ không chủ động gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, hoặc yêu cầu thanh toán tiền qua điện thoại. Các thông báo về việc vay tiền, đáo hạn khoản vay hay các thay đổi liên quan đến tài khoản của bạn thường sẽ được gửi qua email chính thức của ngân hàng hoặc thông qua các kênh bảo mật như app ngân hàng, không phải qua điện thoại hay tin nhắn lạ.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần chủ động gọi đến số điện thoại chính thức của ngân hàng để xác minh danh tính của đối tượng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD; tài khoản ngân hàng, mã OTP,... dưới mọi hình thức. Nếu có ai đó yêu cầu bạn cung cấp các thông tin này, hãy từ chối ngay lập tức và thông báo với ngân hàng. Không thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lạ đặc biệt là liên quan đến giao dịch chuyển tiền. Không truy cập vào những đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Cảnh giác với tin nhắn giả mạo dịch vụ an ninh và bảo mật Windows Defender Security Center
Fox News (Kênh truyền thông đa phương tiện lớn tại Mỹ) vừa đưa ra cảnh báo về phương thức lừa đảo trực tuyến mới thông qua tin nhắn Email giả mạo dịch vụ an ninh và bảo mật của Window, mục đích là để chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân thông qua phần mềm điều khiển từ xa để đánh cắp dữ liệu.
Các đối tượng xấu tạo lập những tin nhắn Email giả mạo, sử dụng logo và giao diện giống với những cảnh báo thông thường đến từ Window. Khi nạn nhân truy cập vào tin nhắn, một thông báo dạng pop-ups sẽ xuất hiện, thông báo rằng quyền truy cập vào thiết bị của nạn nhân tạm thời bị gián đoạn bởi các lý do an ninh. Thông báo cũng đi kèm một đoạn tin nhắn thoại lặp lại và tiếng còi cảnh báo để tạo sự cấp bách và nguy hiểm, thúc giục nạn nhân nhanh chóng liên hệ lại thông qua số điện thoại để kịp thời xử lý và khắc phục vấn đề. Sau khi gọi điện, đối tượng sẽ giả danh là nhân viên kỹ thuật của Window, hướng dẫn nạn nhân tải phần mềm UltraViewer (Phần mềm điều khiển thiết bị từ xa) để kiểm tra máy tính của nạn nhân. Sau khi nạn nhân cấp quyền truy cập, các đối tượng sẽ rà soát và đánh cắp những dữ liệu quan trọng có sẵn trên thiết bị.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn Email với nội dung thông báo khẩn. Cẩn trọng xác minh thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống của Window. Tuyệt đối không liên hệ lại bằng các phương thức được cung cấp trong thông báo, không tải về bất kỳ phần mềm và ứng dụng nào (ngay cả khi chúng hợp lệ). Người dân cũng được khuyến cáo nên sử dụng các phần mềm bảo mật uy tín, bật hệ thống tường lửa của máy tính để sớm phát hiện và cảnh báo các mối nguy hại tiềm ẩn. Khi gặp dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo giả mạo công ty dịch vụ bưu chính
Đài truyền hình KSBY (thuộc bang California, Hoa Kỳ) cho biết trong thời gian gần đây, người dân liên tục nhận được các tin nhắn được cho là tới từ công ty dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ, thông báo rằng quá trình vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn bởi kiện hàng của người nhận có những thông tin không hợp lệ. Thực chất, đây là thủ đoạn lừa đảo, được các đối tượng xấu sử dụng với mục đích đánh cắp thông tin của nạn nhân.
Các đối tượng gửi tới nạn nhân những tin nhắn giả mạo, thông báo rằng một kiện hàng không thể được giao tới bởi mã bưu điện được ghi trên bao bì là không hợp lệ, yêu cầu nạn nhân cung cấp thêm thông tin về kiện hàng để quá trình vận chuyển được tiếp tục. Các đối tượng đính kèm trong tin nhắn một đường dẫn tới trang chủ giả mạo của USPS (Công ty Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ), yêu cầu truy cập để cung cấp thông tin và đồng thời cho biết nếu vấn đề không được xử lý trong vòng 24 giờ tới, kiện hàng sẽ bị gửi trả lại. Sau khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo. Tại đây, trang web sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin như địa chỉ nhà, họ tên, số điện thoại, thông tin thẻ ngân hàng,... để xác minh lộ trình giao hàng là chính xác và hợp lệ.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn với nội dung như trên. Cẩn trọng xác minh lại các thông tin như vật phẩm bên trong kiện hàng, giá cả, chi phí vận chuyển, thông tin và địa chỉ người gửi,... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân thông qua các đường dẫn có chứa ký tự lạ, giao diện đáng ngờ hoặc không trực tiếp chuyển hướng người truy cập về ứng dụng có sẵn trong thiết bị. Khi nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để kịp thời điều tra, ngăn chặn hành vi lừa đảo và truy vết đối tượng./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu